A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BÀI DỰ THI VIẾT VỀ THẦY CÔ, MÁI TRƯỜNG

CUỘC THI VIẾT VỀ “NHỮNG KỶ NIỆM VỀ THẦY CÔ

VÀ MÁI TRƯỜNG MẾN YÊU”, NĂM 2018

 

PHẦN I

I. Thông tin về tác giả:

Họ và tên: NGUYỄN THANH TÌNH

Ngày thang năm sinh: 20-12-1976

Quê quán: Thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh

Địa chỉ liên hệ: Trường THCS Thụ Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh

Điện thoại: 0919127525

Thông tin về trường được viết: TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM NGHỆ AN

Địa chỉ liên hệ: Hưng Lộc, thành phố Vinh, Nghệ An.

II. TÁC PHẨM DỰ THI

KHOA XÃ HỘI TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM NGHỆ AN
NƠI KHỞI NGHIỆP CỦA BAO THẾ HỆ

NGUYỄN THANH TÌNH

Giáo viên trường THCS Thụ Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh
Cựu sinh viên lớp K17HV, trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An.

 

Nhớ về thời sinh viên, tôi luôn tự hào vì đã được học tập dưới mái trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An. Mỗi khi ai đó nhắc đến trường, kỷ niệm trong tôi lại ùa về. Đó là nơi nuôi dưỡng tôi trên con đường lập nghiệp. Hơn 20 năm qua, mái trường Cao đẳng sư phạm, các thầy cô giáo và các bạn sinh viên khoa Xã hội vẫn vẹn nguyên không thể phai mờ.
Một ngày đầu thu năm 1995, thành Vinh đón chúng tôi bằng một ngày nắng vàng, tôi trở thành sinh viên K17 của trường, thuộc thế hệ sinh viên Hà Tĩnh cuối cùng học tại Cao đẳng sư phạm Nghệ An. Thật may mắn được học dưới mái trường giàu truyền thống, có bề dày lịch sử, được sự dìu dắt nhiệt tình của các thầy cô tâm huyết với nghề. Hơn 20 năm qua, những gì tích luỹ được từ mái trường thân yêu, bao điều các thầy cô dạy bảo, tôi đã truyền đến bao thế hệ học sinh, giúp các em đến những miền mơ ước như chính các thầy cô đã dìu dắt mình vậy.

Còn nhớ, K17 khoa Xã hội là khoá học đông nhất từ trước đến nay. Cả sinh viên Nghệ An và Hà Tĩnh có 8 lớp. Lớp 17AV cô Nguyễn Thị Thuỷ chủ nhiệm, anh Nguyễn Văn Quang người Nghĩa Đàn làm lớp trưởng. Hai cô trò suýt soát tuổi nhau nên khi ra khỏi lớp cô gọi bằng anh Quang. Lớp 17BV cô Tạ Thanh Hà chủ nhiệm. Lớp 17CV do thầy Ngô Văn Cảnh chủ nhiệm và bạn Nguyễn Hữu Hiển người Nam Đàn làm lớp trưởng. Lớp 17DV do bạn Hạnh có cặp kính cận làm tăng độ duyên dáng làm quản lớp. Lớp 17EV, anh Nguyễn Văn Hiếu, hơi lớn tuổi, người Yên Thành. Lớp 17GV do bạn Cao Trọng Nghĩa người Diễn Châu, lớp 17IV do bạn Bùi Bích Ngọc, người con sông La, đôi mắt trong tựa ngọc. Lớp tôi, 17HV, anh Phan Trung Chính, người Yên Thành làm lớp trưởng dưới sự giúp đỡ của cô Nguyễn Thu Hà dạy môn Lí luận văn học.(Chúng tôi thường gọi cô Hà “Lí luận” vì để khỏi nhầm sang cô Lê Thị Hà dạy Văn học dân gian, cô Tạ Thanh Hà dạy Văn học nước ngoài - nay là Chủ nhiệm khoa). Tên các thầy cô thì nhớ được, nhưng tên các lớp trưởng thì phải lục lại bộ nhớ hồi lâu.

Sinh viên khoa Xã hội chúng tôi may mắn được học các thầy cô nhiệt tình chăm chút, có vốn kiến thức uyên thâm, có phương pháp dạy học bài bản. Thầy Nguyễn Hữu Trí - Chủ nhiệm Khoa, thầy Phan Xuân Đạm – Phó trưởng Khoa, thầy Nguyễn Văn Tùng, thầy Quyền là những cây cao bóng cả. Thầy Nguyễn Hữu Trí rất tâm đắc về chuyên đề “Phan Bội Châu thời kỳ “Ông già bến Ngự”. Thầy Phan Xuân Đạm, nghiêm nghị đến phát sợ nhưng lại rất điềm đạm như tên của thầy mỗi khi lên lớp “Phương pháp dạy học Tiếng Việt”. Thầy Ngô Văn Cảnh nhiệt tình chỉ giáo về tiêu chí phân định từ loại tiếng Việt. Cô Nguyễn Thu Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp, người mẹ hiền, ân cần, cẩn thận, dạy Lí luận văn học mà không hề khô khan. Trong bài giảng của cô lúc nào cũng có liên hệ với thực tế cuộc sống và văn học. Cô Lan (Hán Nôm) bày cho cách khắc các bộ để thành chữ Hán, khó đến phát khóc, nhờ cô mà nguyên tác của Thiên đô chiếu vẫn in sâu "Tích Thương gia chí Bàn Canh ngũ thiên/ Chu thất đãi Thành Vương tam tỉ/ Khởi tam đại chi sổ quân nãi tuẫn kỉ tư vạn tự thiên tỷ..." Cô Lê Thị Hà, già dặn với bộ môn Văn học dân gian và Văn học trung đại, dáng người cô hao hao như nghệ sĩ Hồng Lựu hát Phụ tử tình thâm. Thầy Hoàng Mạnh Hùng, luôn hài hước khi dạy Lí luận, xua tan những lí và luận văn học. Không thể quên cặp mắt thần của cô Nguyễn Bình Minh dạy môn Lịch sử. Cô đã đưa chúng tôi về với cội nguồn dân tộc Việt Nam thuở vua Hùng dựng nước, đến những cải cách của Hồ Quý Ly, tài thao lược của Quang Trung -Nguyễn Huệ…Cô Đoàn Kim Nhung, cô giáo từng dạy tôi thời lớp 10 THPT, tôi lại được cô dạy Cao đẳng. Ít ai may mắn như tôi được một cô giáo dạy hai cấp học khác nhau trên hai ngôi trường khác tỉnh. Thỉnh thoảng trò chuyện với cô, cô vẫn như ngày nào, gần 50 rồi mà vẫn như thiếu nữ đôi mươi như ngày đầu tôi được học. Thầy Đinh Chí Sáng, cô Trịnh Thi Mai dạy môn Ngữ âm, thầy Nguyễn Hữu Chi gặp các nàng thơ nên có phần lãng mạn hơn. Thầy Nguyễn Văn Lý dạy Văn học hiện đại, thầy giúp chúng tôi lên Điện Biên để gặp Đào trong “Mùa lạc” của Nguyễn Khải, gặp cô gái HMông trên miền Tây Bắc trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài. Thầy Dương Thanh Kỳ say sưa kể Tiểu thuyết thời Minh Thanh, AQ chính truyện, mãi khắc cốt ghi tâm lời thầy dạy về câu nói bất hủ của Paven Coocsaghin trong Thép đã tôi thế đấy “Đời người ta chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những ngày sống hoài, sống phí….”

Những ngày hè năm 1997, nắng như thiêu như đốt, chúng tôi phải học cả ba tháng hè để kịp về dạy sớm theo quyết định của Sở Giáo dục – Đào tạo do Hà Tĩnh thiếu giáo viên, những lời giảng của cô Tạ Thanh Hà giúp chúng tôi xua tan thời tiết nóng nực. Ngày ấy, cô mới ra trường. Bọn con gái khoa tôi mơ ước được một làn da, một mái tóc, một lúm đồng tiền như cô nhưng không thể. Nhớ về cô, tôi lại nhớ về câu thơ ngày xưa được đọc “Nhìn em chúm chím nụ cười/ Mùa xuân đến giữa cuộc đời vàng sao…” Cô đưa chúng tôi về Côdắc vùng sông Đông, gặp người hát rong khản cả giọng nhưng chẳng ai bố thí cho lão một xu ở vùng Luyxernơ tráng lệ…
Có lẽ phải kể cả ngày mới hết được kỷ niệm của tôi về các thầy cô khoa Xã hội. Càng kể, kỉ niệm càng ùa về. Hình bóng các thầy cô và các bạn sinh viên 20 năm về trước như đang hiện lên vẹn nguyên như mới hôm qua.
Hai năm học và sáu tháng hè, đó là thời gian khoá 16, 17 Hà Tĩnh chúng tôi học tập dưới mái trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An. Chính bề dày truyền thống của nhà trường đã giúp thế hệ sinh viên chúng tôi có được vốn kiến thức quý báu. Ngày ra trường, chúng tôi đã vững vàng tự tin trên bục giảng ngay từ tiết dạy đầu tiên. Hàng ngày vẫn say sưa trên từng bài giảng. Vui cùng các em khi chị Dậu đánh ngã tên cai, buồn vì thằng bán tơ gieo hoạ bao người để Thuý Kiều phải mười lăm năm lưu lạc. Nhiều bạn đã trở thành những nhà quản lý giỏi nhưng vẫn tâm huyết với những áng văn chương. Bạn Nguyễn Văn Hùng, K17AV, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Nghĩa Đàn; chị Trần Thị Thuận, K16AV, chuyên viên Phòng GDĐT Lộc Hà; chị Lê Thị Thu Hương, K16AV, Hiệu trưởng trường THCS Tân Vịnh, huyện Lộc Hà; bạn Trần Anh Đăng, K17GV-Hiệu trưởng trường THCS Kỳ Văn -Kỳ Anh; bạn Võ Trung Kiên, K17HV, Hiệu trưởng trường THCS Tiến Thiết, thị xã Cửa Lò… là những sinh viên xuất sắc của Khoa Xã hội chúng ta.
Nói sao hết kỉ niệm về mái trường thân yêu, kể sao hết những tình cảm các thầy cô và bạn bè đã dành cho nhau của thời sinh viên một thưở. Xin được gửi lời tri ân sâu sắc đến các thế hệ thầy cô giáo đã và đang giảng dạy tại trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An - những người đặt viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp trồng người của chúng tôi. Xin kính dâng các thầy cô giáo Khoa Xã hội những bó hoa tươi thắm nhất trong muôn ngàn bó hoa tươi sắc. Kính dâng lên cô Tạ Thanh Hà - Chủ nhiệm Khoa, cô Đoàn Kim Nhung, - hai lần tôi được học những điểm mười mà học sinh tôi đã tặng tôi trong thời gian qua. Xin một phút kính cẩn nghiêng mình thay nén tâm nhang trước anh linh những thầy cô đã khuất, ngàn lần tạ lỗi với các thầy cô vì chúng em không thể đến bên các thầy cô giờ phút cuối cùng.

 

                                                                                                        Tháng 11 năm 2018.

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Giáo dục
Liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1
Tháng 04 : 65